Anda di halaman 1dari 17

"Bấm", "Vòng", "Vươn", "Buông"

Mai Tâm
(Thân tặng Phạm Gia Cổn)

Lời Tựa: Cách đây vài năm tôi có dịp nhìn qua "internet" vài đoạn phim Thể Dục Khí
Công Hoàng Hạc (Hoàng Hạc) bên Cali do BS Phạm Gia Cổn kiêm võ sư phát minh và
phổ biến. Anh Cổn với tôi vốn là bạn cố tri, thời sinh viên đã có thời tập cùng trường hay
đi biểu diễn chung, nhưng phải nói là trong thời đại hiện nay, anh là một Đại võ sư,
không phải riêng trong Cộng đồng VN mà cấp bậc cũng rất đáng nể trên cả thế giới.
Nghĩa là về công lao luyện tập, tôi chắc còn thua xa học trò của anh bây giờ!
Sau gần 10 năm liên lạc lại được với nhau, trao đổi nhiều kỹ niệm, kinh nghiệm và kiến
thức võ học, chúng tôi đã trở lại thành đôi bạn tương kính dù chưa có dịp gặp lại nhau
thật sự. Do đó mới có những điện thư vào những ngày cuối năm 2008, như được trích
sau đây.
From: Con Pham-Gia <phamgiacon@...>
To: Tam Mai <maitam_ph@...>
Sent: Sun, November 9, 2008 1:31:36 AM
Subject: Re: ...
Cam ơn anh đã cho những nhận xét về môn TDKC/Hoàng Hac.
Đúng với tinh thần y hoc, các y sĩ đều khuyên BN tập luyện, nhưng khuyên thiếu 2 chữ. Đó là "thích hợp" . Thế nào là
thích hợp?
Tôi cố gắng phối hợp những hiểu biết, những kinh nghiệm về y học và võ hoc để chế biến thành 1 lối tập giản dị và
thích hợp cho mọi lứa tuổi, mọi thể trạng; cho người tập cũng như người không tập võ. Lối tập bao gồm cả 3 phần:
tinh thần, khí lực và thể lực.
Anh đã đi guốc trong bụng tôi rồi: "vừa hữu hiệu, vừa đơn giản vừa gây thích thú khi tập". Trong những buổi
tập, sau phần tập ôn những căn bản, nhắc nhở nguyên tắc... thì các học viên "phe phẩy" với tiếng nhạc êm dịu. Điều
thích thú là sự sinh hoạt tập thể với không khí gia đình (trong lúc không cãi cọ to tiếng cãi nhau!!! dĩ nhiên)
"Sở trường.. suy gẫm ... vốn liếng y học đông phương và một số kỹ thuật gom góp được" của anh rất hữu ích.
Nó đắp vào lỗ hổng khiếm khuyết của tôi...
Mong rằng có dịp, sớm hơn là đợi tới lúc retired, mình gặp nhau bàn v/v phối hợp mà "phát triển và tu bổ" để giúp
người, giúp đời.
Nghề của chúng mình là phục vụ con người mà.
Thân
Phạm gia Cổn

From: Tam Mai <maitam_ph@...>


To: phamgiacon@...
Subject: Re:...
Date: Saturday, November 8, 2008, 11:56 PM
Anh Cổn thân
... nên bây giờ mới rãnh đễ viết vài hàng với anh cho vui.
Tôi có coi vài video clip về Hoàng Hạc và thấy anh đi rất đúng đường. Vị thế anh hiện tại có thể giúp anh phát triển
chuyện này, gây 1 lợi ích rất lớn cho các vị lớn tuổi (xin nói nhỏ, kể cả tui với anh nữa!)...
... Như anh từng nói là mình bây giờ lớn tuổi rồi, xương cốt bắp thịt bắt đầu rêm đau, càng ngày càng nặng thêm.
Cũng như 1 cái xe hơi, dù Lexus hay Mercedes thì tới ngày nào đó cũng phải rỉ sét! Sớm hoặc muộn mà thôi!
Cái quan trong là mình vượt qua tuổi già càng ít thuốc men càng tốt, đời sống càng thấy đáng sống (quality) thì càng
tốt. Ai cũng biết cần phải vận động, nhưng cách vận động ra sao thì thật điên cái đầu! Anh vừa là y sĩ vừa là võ sư
thượng thừa, tôi nghĩ là nếu anh phát triển và tu bổ môn Hoàng Hạc thành một cái gì vừa hữu hiệu, vừa đơn giản vừa
gây thích thú khi tập thì công lao của anh rất lớn.
Tôi chỉ có sở trường là... suy gẫm... Nhờ có chút vốn liếng y học đông phương và một số kỹ thuật vặt gom góp được
tới nay nên cũng cố tìm đường đi cho mình. Nhưng chắc chắn không đủ tư cách để phổ biến cái gì hết... ! Có thể
ngày nào đó lúc retired tôi sẽ dự 1 khoá Hoàng Hạc của anh đó!
Thân mến
MT
Trong dịp Tết Canh Dần vừa qua, tôi sang Cali "ăn Tết". Do đó chúng tôi đã hẹn gặp

nhau bàn chuyện Hoàng Hạc vào ngày 30 cuối năm, sau cuộc Diễn Hành Tết tại Little

Saigon. Tôi có liên lạc trước để xin anh một khúc phim các thế Hoàng Hạc để được nhìn

rõ ràng hơn. Anh Cổn đã sốt sắng chu toàn điều mong muốn của tôi, đem lại phòng

khách sạn, đích thân trao và luôn dịp trình bày một cách say mê điều anh muốn làm. Sự

đam mê của anh lây tức khắc sang tôi, làm sống lại máu nóng những năm xưa.

Dù gặp nhau không nhiều thời gian nhưng anh nói tới đâu tôi nắm vững tới đấy, những

mấu chốt trong bài Khí Công anh đang thực hiện. Anh còn nhắn là sau khi xem thì tôi

phải cho ý kiến để bổ túc. Và tôi đã hứa sẽ tìm thì giờ tập ít nhất vài tháng rồi sẽ phân

tích theo kinh nghiệm và kiến thức của mình, để viết ra cho anh xem.

Từ lâu tôi vẫn cố tìm đường đi riêng cho mình, để phục hồi và giữ gìn sức khoẻ cho cái

tuổi đã gần về hưu, cơ thể bắt đầu "kiếm chuyện" này!

Chuyện " phát minh lại cái bánh xe" (réinventer la roue) lúc nào tôi cũng coi là chuyện

vô bổ, nên tôi thường chỉ tìm cái sẵn có rồi thích ứng cho nhu cầu của mình. Vì vậy nếu
chỉ cần thêm chút "mắm muối" cho môn Hoàng Hạc "đậm đà" thêm, tôi rất sẵn lòng tiếp

tục tập theo và hổ trợ anh bạn để phát triển sâu rộng cho đồng bào lớn tuổi của mình,

như vậy tôi khỏi phải mất thì giờ tìm kiếm từ con số không. Vì dầu sao môn thể dục nào

cũng ích lợi, nếu tập đều đặn và "đúng". Cái "đúng" đó anh Cổn đã tìm thấy trong 2 chữ

"thích hợp" (xem trong điện thư). Còn các yếu tố cần thiết để được "đều đặn", như tôi đã

phát biểu, và anh Cổn đã chấp nhận trong điện thư: "Anh đã đi guốc trong bụng tôi rồi:

vừa hữu hiệu, vừa đơn giản vừa gây thích thú khi tập..." . Tóm lại, môn Hoàng Hạc dễ
tập vì bốn yếu tố: "thích hợp dù người yếu đuối hay lớn tuổi, thích thú khi tập, đơn giản

và hữu hiệu"
Môn Hoàng Hạc, hiện tại có 18 thế, trước đây chỉ có 16, mới vừa được thêm 2 và trong

tương lai có thể thêm vài thế nữa. Các thế đến nay đều dựa trên bốn nguyên tắc chính:

"BẤM, VÒNG, VƯƠN, BUÔNG". Sau khi nhìn và tập thử, thấy vững vàng và hợp lý, tôi

muốn viết bài này với mục đích phân tích tổng quát bốn nguyên tắc này. Sau khi lướt

qua về trào lưu khí công hiện tại.

Sự phân tích này là theo thiển ý của riêng tôi, dựa trên kiến thức và kinh nghiệm trong

Đông Y, Sinh Lý học, cũng như dựa trên sự hiểu biết các môn võ tôi từng tập và các

điều dạy bảo của các vị võ sư mà tôi từng có cơ may được truyền thụ. Dĩ nhiên không

thể không thiếu sót và hoàn toàn không sai lầm. Mong anh Cổn tha thứ cho các thiếu

sót hoặc sai lầm này nếu xảy ra. Và cũng mong các vị cao mình chỉ điểm thêm dùm.

Mục đích là để kiện toàn dần dần một phương pháp có thể giúp gìn giữ sức khoẻ cho

mọi người.

1/ Khí công là gì?

Theo trí nhớ của tôi thì hình như 2 chữ "Khí Công" chỉ thông dụng khoảng 50 năm về
sau này. Hồi thời trước đó chưa nghe nói tới bao giờ! Chỉ thường gặp các chữ như "Nội
Công", "Ngoại Công", "Luyện Công, "Vận Khí", "Công Phu", "Điều Khí", "Luyện Khí",
"Điều Tức" v.v... Kể cả trong các chuyện kiếm hiệp hồi xưa như "Lã Mai Nương", "Lam
Y Nữ Hiệp", "Hoả Thiêu Thiếu Lâm Tự"; hay là thế hệ truyện chưởng "kiểu Kim Dung"
cũng chẵng thấy đề cập đến 2 chữ đó, mà chỉ dùng những chữ như "vận công lực",
"truyền công lực", "vận khí" hay tương tự...
Thời đó (1966-1976) bên Tàu, nghề võ hay Đông Y cũng đang bị cuộc Cánh Mạng Văn
Hoá của Mao Trạch Đông làm cho xính vính!
Rồi sau đó chánh phủ cộng sản Tàu mới thấy sai lầm, làm sống lại văn hoá Tàu, trong
đó có võ thuật và Đông y. Đến thời "bang giao bóng bàn" (Tổng Thống Nixon) mới lộ ra
ngoài nước Tàu hiện tượng châm gây tê để giải phẩu tim và óc làm cho thế giới để ý tìm
hiểu nền y khoa tại Trung quốc. Từ đó, một môn trong Đông y, trị bệnh bằng "Khí" mới
được biết đến và đem lên TV, ví dụ người trị bệnh dùng khí của mình để trị, như để tay
trên đầu bệnh nhân làm bớt nhức đầu, hoặc người bệnh tập luyện để bồi bổ "khí" hầu
được khoẻ mạnh. Các môn tập về khí này dần dần được phổ biến để tập luyện hàng
ngày trong đại chúng, dể thấy nhất là Thái Cực Quyền, sáng nào, đi đâu cũng thấy. Và
từ đó mới nghe đến 2 chữ "Khí Công"... Rồi trăm hoa đua nở... Các sách xưa được in lại
nào là "Ngũ Cầm Hí", nào "Dịch cân kinh", v.v... Vài năm sau này BS Trần Đại Sĩ cũng
đã phổ biến một tài liệu về Dịch Cân Kinh trên website và GsYK Ngô Gia Hy cũng xuất
bản sách "Khí Công Học và Y Học Hiện Đại" gom góp nhiều tài liệu. Đó là nói về phía Á
Đông của chúng ta. Còn bên Âu Châu, ai thử vào Google tìm hai chữ QiGong thì sẽ
thấy đầy tài liệu và DVD để tập luyện, tha hồ mà lựa, các tác giả Tây phương ra hàng
loạt sách về Khí Công sau khi Châm cứu gần hết sách để... dịch!
Như vậy, không phải chỉ là trăm hoa mà bây giờ hình như trên cả ngàn cách tập được
gọi là "Khí Công"! Nó bao gồm tất cả các môn luyện công của các võ phái, ví dụ như
"Ngũ Cầm Hí", "Hồng Gia"; hay bất cứ bài quyền nào, không cứ chỉ là Thái Cực quyền
hay Thái Cực Khí chưởng, ví dụ như bài "Ngọc Trảng Ngân Đài" của võ Bình Định cũng
đã được một vị y sĩ thâu thành DVD như là khí công cho người thường tập luyện một
cách chậm rãi hơn đánh võ. Theo thiển ý của tôi, hình như chỉ khác một điều, đó là mục
đích của sự tập luyện. Không phải để đánh nhau hay đấu võ mà chỉ để làm sao được
cho mạnh khoẻ như một môn thể dục (động luyện). Song song với các quyền hay các
thế đó cũng có loại khí công thuộc loại bất động (tĩnh luyện), giống như yoga hay thiền
định, ví dụ như 12 thế tĩnh luyện của Dịch Cân kinh, như điều khí theo vòng Tiểu Chu
Thiên nối liền Nhâm và Đốc Mạch, hoặc phương pháp điều tức (điều khiển sự hô hấp) ,
dẫn khí theo kinh mạch đến tạng phủ hay cơ quan mình muốn...

2/ Phân loại khí công.

Như vừa nói ở phần trên, hiện nay có cả ngàn môn khí công. Muốn phân biệt thì phải
thử phân loại khí công mới nhìn ra rõ ràng được!

Về mục đích có thể phân thành 3 loại chính:


 Khí công để tập võ bao gồm các môn luyện khí, nội ngoại công phu trong võ
thuật xưa nay. Phần này không phải là mục đích của bài viết này. Vả lại tôi chưa
đủ tư cách để viết!
 Khí công có mục đích sức khoẻ. Có thể chia ra làm hai loại phụ, nhưng bổ túc
nhau.
1. Khí công "gọi là dưỡng sinh", để người tập gìn giữ sức khoẻ. Trong cộng đồng
VN thì nhiều người biết môn "Khí Công Dưỡng Sinh" phối hợp với cách nhịn
ăn "Nhập Thất" của Gs Phạm Văn Chính bên Mỹ; môn "Sa Long Cương"
cũng được mở dạy nhiều nơi. Ngoài ra còn có 2 môn cùng có tên trùng nhau,
gọi là : "Khí Công Tâm Pháp", một do Thượng tọa Thích Phụng Sơn truyền
dạy, một là đề tựa của cuốn sách vừa được in bên Cali (2010) của nhà báo
nổi tiếng Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh.
2. Khí công y học có trình độ cao hơn và có khả năng chữa bệnh cho người
khác. Môn này được dạy chánh thức tại nhiều Trường Đông Y hay Châm cứu.
Tại Canada cũng có nhóm lấy tên là "Khí Công Y Đạo", về lý thuyết Đông y
với kinh mạch huyệt đạo, đọc thấy theo rất đúng qui củ, nhưng cũng có
những bài viết khác, tuy bề mặt có vẻ khoa học, cần phải kiểm chứng lại về
nguồn gốc cũng như sự chính xác, nhất là khi đề cập đến các chứng nan y.
Bên Việt Nam khi xưa có "Bà Sáu Lịch" trị bệnh bằng "Thập Thủ Đạo" (bây
giờ, khoảng sau 1980, đã đổi tên thành "Thập Chỉ Đạo").
 Khí công theo "tôn giáo": như "Thiền định" theo Phật giáo, "Luyện đan" theo Tiên
đạo (Lão Trang). Thiền định là để nhắm đến thành chánh quả, "Luyện đan" là để
được "trường sinh bất lão" hoặc thủ đắc thần thông. Mới hơn, trên thế giới ai cũng
nghe đến "Pháp Luân Công", môn này phát triển rất rộng dù bị đàn áp mạnh mẽ
bên Tàu; phép "Xoi Hồn" của "Ông Tám" cũng có thể xếp thuộc loại này. Hiện
nay khoa học cũng đã để ý đến môn "Transcendental Meditation" (có thể tạm
dịch là "Siêu quán Thiền") vì thấy giúp thuyên giảm nhiều trong một số bệnh tật.
Đặc biệt trong môn này, người tập đến trình độ cao có thể "tự nhấc người lên
cao" (levitation) thoát khỏi trọng lực trái đất, như tôi từng được xem phóng sự.
Về thành quả luyện khí thì có:
 Ngoại đan: phát triển bên ngoài cơ thể, kết quả cho ra da thịt cứng chắc có thể
chống đở dao kiếm mà không bị thương, tiếng VN bình dân gọi là "gồng". Ít bị
hậu quả phụ trừ phi tập quá sức gây chấn thương, gãy xương v.v... Ví dụ thường
thấy là karaté đập bể gạch ván hay bê tông.
 Nội đan: là phát triển khí trong nội tạng, theo truyền thuyết có thể đi tới "trường
sinh bất lão", không bệnh tật. Khó tập, phải có Thầy kinh nghiệm chỉ dẫn. Cái gọi
là "tẩu hoả nhập ma" là do tập Nội đan không đúng phép.Cái này tôi cũng chỉ
thuộc hàng sơ đẳng nên không dám nói nhiều hơn.

Về hình thức thì được chia nhiều loại như sau, nhưng tôi thấy sự phân loại này trong
vài sách như "vẽ rắn thêm chân" chớ chưa tìm ra ích lợi thực tế nào:
 Khí công Phật gia: theo thiển ý của tôi đúng ra chỉ là thiền định, nhưng có thể vì
Đạt Ma Sư Tổ là hoà thượng nên nhiều phương pháp của chùa Thiếu Lâm cũng
được gom vào. Có người nói Khí Công Phật gia thật sự chính là Khí Công Mật
Tông, được truyền từ Tây Tạng nhưng không biết làm sao tìm ra Thầy để học!
Có một môn khá nổi tiếng gọi là "The Fountain Of Youth" (người Việt mình dịch là
"Suối Nguồn Tươi Trẻ" và tôi cũng đã từng bỏ cả năm để tập thử xem sao), môn
này được kể lại bởi Peter Kelder trong tác phẩm "The Eye of Revelation" xuất
bản năm từ năm 1939, gồm 5 thế gọi là "Five Tibetan Rites" (Năm Thức Bí
Truyền từ Tây Tạng"). Ngoài ra, theo các khoá huấn luyện hậu Đại học mà tôi đã
tham dự (tổ chức bởi Ordre des Acupuncteurs du Québec), cách thở bằng bụng
cũng được gọi là cách thở theo Phật gia (respiration abdominale, bouddhiste).
 Khí công Đạo gia: các phương pháp của các vị tu tiên và luyện đan. Như những
môn "Ngũ Cầm Hí" (các thế giống 5 con thú), "Thai Tức" (hơi thở như còn là bào
thai trong bụng mẹ, vô hình vô tướng), "Bế Tức" (nín thở thật lâu sau khi hít vào).
Có nơi người ta nói (cũng trong các khoá hậu Đại học) cách thở bằng bụng
ngược lại là thở theo Đạo gia (respiration abdominale renversée, taoiste), nghĩa
là khi hít vô thay vì bụng phình ra thì hóp lại, thở ra thì bụng lại phình ra. Vì vậy
mới nói là thở ngược. Theo kinh nghiệm, tôi thấy quả nhiên cách thở này rất công
hiệu khi cần dùng sức mạnh.
 Khí công Nho gia (Khổng tử): Tôi nghĩ họ cho vào để "đủ bộ" chớ tôi chẵng thể
nào tìm ra ở đâu cái loại khí công này! Trừ phi muốn nói đến một cách "thiền",
như tập viết "thư pháp" chẵng hạn. Muốn cằm cây bút lông mà viết ra được
những nét sắc xảo không những phải "định", mà "nội lực" cũng chẵng phải tầm
thường.
 Khí công Võ gia: cho dân tập võ. Các môn Ngạnh Công, Thiết Bố Sam, Thiên
Cân trụy, Khinh công v.v... là thuộc loại này. Như chính môn Hapkido của tôi và
anh Cổn , chỉ có 3 thế "Tanden Huhap Pop" (Đan Điền Hô Hấp Pháp) mà theo
kinh nghiệm của tôi cũng rất công hiệu để phát triển nội lực!
 Khí công Y gia: chính là các môn thể dục thường được gọi là dưỡng sinh và trị
bệnh đã nói trên, cũng như tất cả các môn nào khác có liên hệ đến việc điều hoà
kinh mạch.

Về cách tập thì có 2 cách:


 Động luyện (hay Động công): Lúc tập có vận động chân tay, đầu cổ và cơ thể để
giúp khí huyết lưu hành.
 Tĩnh luyện (hay Tĩnh công): Lúc tập giữ yên một vị thế nào đó trong một thời
gian, có thể đứng, ngồi hay nằm. Phần tập luyện hoàn toàn do sự điều khiển hơi
thở bằng ý nghĩ để dẫn dắt hơi thở chạy trong kinh mạch mà phát triển Khí Lực.

3/ Vị trí của môn Thể Dục Khí Công Hoàng Hạc ở đâu?

Như vậy môn Hoàng Hạc thuộc về loại nào?


Xin thưa có thể nói đó là môn Khí Công Dưỡng Sinh giúp gìn giữ sức khoẻ, thuộc
loại động luyện.

Còn trình độ và sự ích lợi của môn Hoàng Hạc nằm ở chỗ nào?
Xin thưa rằng nếu ai còn trẻ còn sức, muốn "bay nhảy" thì nên tìm các môn võ
thuật mà học! Ai muốn luyện đan để được trường sanh bất lão cũng không phải
theo môn này mà có kết quả. Ai muốn luyện tập để có "mình đồng sa sắt" hầu
biểu diễn được như "sơn đông mãi võ" thì cũng nên tìm thầy dạy nội công cho
đúng mà học.
Vì Hoàng Hạc chỉ là môn thể dục giúp cho người yếu đuối hoặc lớn tuổi có thể
vận động đều đặn để mà gìn giữ hay được thêm sức khoẻ và nhờ đó may ra có
thể bớt đi bệnh tật, nhất là đau đớn khớp xưong, bắp thịt, ngoài ra có thể giúp
người tập "yêu đời" hơn.

Như vậy tại sao phải tập môn Hoàng Hạc, không tập môn nào khác?
Đúng ra tập bất cứ môn thể dục thông thường hay khí công nào khác cũng tốt
cho sức khoẻ, nếu tập đúng, trì chí và cố gắng. Môn Hoàng Hạc chỉ khác một
điểm là cách tập được người sáng lập, là một y khoa bác sĩ, dựa vào cơ thể học
và sinh lý học hiện đại để ngừa những hậu quả tai hại có thể thấy trước được;
ông cũng là một võ sư thượng thừa với 50 năm kinh nghiệm, nên các thế tập
được trích từ những thế võ đơn giản, nhịp nhàng nhưng vận dụng được đầy đủ
các bắp thịt cần bồi dưỡng. Ngoài ra còn tìm cách để dựa theo lý thuyết kinh
mạch của Đông y hầu bồi bổ gân cơ khí huyết. Và nhất là sự thư giãn bắt buộc
phải có trong khi tập, giúp cho người tập được làm quen với sự thoải mái.

Cách luyện khí trong môn Hoàng Hạc ra sao?


Hoàng Hạc muốn đơn giản tối đa nên không có sự kiểm soát hơi thở. Phổi người
tập được để tự động nương theo thế tập mà thở ra hay hít vào. Điều này tôi thấy
rất giống trong môn Thái Cực Khí Chưởng. Theo võ sư đã dạy tôi môn này năm
xưa thì nhờ vậy người tập ít bị, hay không thể bị phản ứng có hại như trong các
môn khác. Sự tiến triển tuy có thể chậm nhưng chắc chắn, nhất là không thể
"thụt lùi" vì phản ứng xấu do luyện khí sai. Vả lại mục đích chính yếu của môn
Hoàng Hạc là để gìn giữ sức khoẻ cho người lớn tuổi, có thể đã mang bệnh tiềm
ẩn, không nên phiên lưu về phương diện kiểm soát hơi thở.
4/ Bốn nguyên tắc: "Bấm", "Vòng", "Vươn", "Buông"

Đúng như tôi đã nói từ đầu: "Bấm", "Vòng", "Vươn", "Buông" là hoàn toàn do Võ sư
Phạm Gia Cổn sáng chế ra, không có trong sách vở nào. Nhưng nói vậy thôi chớ dưới
ánh sáng mặt trời này muốn kiếm cái gì hoàn toàn mới đâu phải dể dàng gì! Bốn
nguyên tắc đó bàng bạc trong võ thuật và nhiều môn thể dục, cũng như còn nhiều
nguyên tắc khác... Tôi thiển nghĩ cái giá trị là sự lựa chọn và phối hợp các nguyên tắc
sao cho đúng, ví dụ như Tổ sư Jigoro Kano chỉ đem vài nguyên tắc để lọc và cải biến
các thế từ môn võ Nhật Jiu-Jitsu cổ xưa đã tạo ra được môn Nhu Đạo nổi tiếng trên
hoàn vũ...
Điều đó có nghĩa là sự mới lạ của bốn nguyên tắc Hoàng Hạc nằm trong sự phối hợp
các nguyên tắc đó trong các thế tập, và sự hiệu quả hay không của sự phối hợp đó.
Cũng vì bốn nguyên tắc tiêu chuẩn này chi phối toàn thể các thế tập nên người nào
muốn tập nên tìm hiểu lợi ích cũng như cách thực hành các nguyên tắc này. Tôi xin dựa
theo võ sư Phạm Gia Cổn đã giải thích, trong video tại Montréal năm 2009 và trong lúc
trình bày trước mặt tôi tại Cali, để suy diễn theo kiến thức của mình mà cố gắng giải
thích lại cho mọi người. Theo tôi hiểu thì anh Cổn đã có ý tin tưởng trao cho tôi công tác
này. Tôi hy vọng kết quả phản ảnh đúng tâm ý anh ấy. Tại vì tất cả các điều được viết
sau đây đều ra thẳng từ kinh nghiệm, kiến thức và suy luận cá nhân, không thể tìm
hoàn toàn trong sách vở để chứng minh!

I) BẤM:
Bấm là bấm 10 đầu ngón chân xuống đất. Đây chính là
động tác đứng căn bản (và duy nhất) của Phất Thủ Dịch
Cân Kinh (môn mà người Pháp, Gs André Faubert, đã
dịch ra là "QiGong Universel") . Thử tìm hiểu xem bấm
đầu ngón chân như vậy sẽ đưa đến hiệu quả gì?
Theo Đông-y, 10 đầu ngón chân bắt đầu hệ thống gọi là
Túc Cân Kinh, có tất cả 6 đường "Kinh gân cơ khởi đầu ở
mỗi chân", từ một hay nhiều đầu ngón. Theo thứ tự, bên ngoài chân từ sau ra trước là
Thái Dương, Thiếu Dương và Dương Minh; bên trong từ sau ra trước là Thái Âm, Khuyết
Âm và Thiếu Âm. Mỗi đường Kinh Cân này không phải chỉ là một bắp thịt tại chổ, mà
bao gồm nguyên một "dãy nối tiếp" các bắp thịt, từ đầu ngón chân lên trên, có khi tới cả
trên mặt, thành một hệ thống có hoạt động liên hệ tiếp nối với nhau (Xem hình thí dụ
Túc Thái Dương Cân Kinh ).
Hầu hết các huyệt "Tỉnh" (nghĩa là cái giếng)
của Kinh mạch dẫn khí nằm trong các đầu
kinh cân, tức là các đầu ngón chân này. Do
đó khi bấm các đầu ngón, người tập sẽ cảm
giác được sự kích thích cơ gân khắp từ đầu
ngón cho đến lưng, thân và mặt. Dĩ nhiên
càng xa thì càng ít rõ, nhưng cảm giác đến
thắt lưng thì rất dể nhận.
Sự kích thích này theo mỗi động tác (thế)
tương ứng với một hơi thở sẽ làm co thắt theo
chu kỳ động tác. Mà theo sinh lý học, các
huyết quản phía dưới chân, vì phản trọng lực
nên phải có sự co thắt này của bắp thịt để
làm cho máu "chảy lên" về tim dể dàng hơn.
Tức là giúp được sự lưu thông của hệ tuần
hoàn phía dưới cơ thể. Chưa kể tác động co
thắt đó cũng bắt các hệ thống bắp thịt liên hệ
làm việc, giữ được hay làm phát triển thêm
cường độ hoạt động của các bắp thịt đó.
Cũng vì sự tuần hoàn ngược lên trên tăng
nhiều mà người ta vẫn khuyên nên mang giày và vớ để tránh hơi lạnh ("tà khí") theo vào
từ mặt đất nơi tập vào người, nhất là nếu nhiệt độ đất quá thấp, như trên nền gạch bông
chẵng hạn.
II) VÒNG:
Vòng có nghĩ là vòng... tròn. Đúng ra trong nhà võ gọi
là vòng Thái Cực, giống như hình Thái Cực Đồ Âm
Dương.
Về võ thuật thì rất nhiều thế đi theo vòng tròn, rõ nhất
là bài Thái cực chưởng mà thiên hạ vẫn tập như múa
ngoài công viên, hay thế Lãm ước vĩ với bốn thức
bằng lý, tê, án trong Thái cực quyền. Bên Aikido các
Kokyunage (theo tôi chính là "khí công" của môn
"Hiệp Khí Đạo" này) cũng đi theo vòng thái cực, từ to
sang nhỏ rồi từ nhỏ sang to ngược chiều trở lại làm
cho địch thủ mất thằng bằng vô phương cưỡng lại. Các cử động của cổ tay Aikido cũng
theo Cầm nã thủ, xoay theo vòng tròn v.v...
Các thế của Hoàng Hạc cũng dựa theo cái vòng tròn này và áp dụng toàn vẹn từ ngón
tay lên trên.
Thí dụ cử động của tay theo một thế tập. Bắt đầu mỗi ngón, lần lượt từ ngón út đến
ngón cái cử động như đang có Lưỡng thiết cầu (2 quả cầu bằng sắt để tập tay vẫn có
bán ở phố Tàu) trong lòng bàn tay, rồi đến cổ tay, khuỷu tay cuối cùng cả khớp vai cũng
phải xoay tròn một cách liền lạc phối hợp với nhau. Chẵng những vậy, khi xoay cánh tay
cũng cong tròn theo. Mục đích là để TẤT CẢ MỌI khớp xương và bắp thịt từ đầu ngón
tay đến khớp vai phải làm việc trong hướng thế tập đó! Sự làm việc một cách uyển
chuyển này để cho các khớp được vận động trơn nhuần, không bị... kẹt, các bắp thịt liên
hệ phải vận động cùng lúc, phải co duổi để gìn giữ sự dẻo dai và cường độ. TUY
NHIÊN tất cả cũng phải thư giản mềm mại, không được gồng cứng, nhất là trên vai, cổ.
Vì vậy hình thức các cử động của Hoàng Hạc có thể coi như tương đương với thế tay
của Thái cực chưởng, nhịp nhàng, thế này liên tiếp với thế tiếp. Mỗi thế được lựa chọn
một cách cố ý, bắt làm việc một nhóm khớp và bắp thịt, theo cơ thể học. Vì vậy võ sư
Phạm Gia Cổn mới nói là tập khí công cũng cần tập "thể lực". Tại sao? Tại vì hầu hết
các môn khí công chỉ tập trung vào hơi thở hay khí, bỏ quên các bắp thịt và khớp xương
vào hàng thứ yếu. Chính là cái mà người lớn tuổi cũng rất cần. Nếu không muốn nói là
đang cần gấp, vì các khớp xương đã bắt đầu cứng, các bắp thịt bắt đầu yếu, và mỗi
ngày đã bắt đầu đau nhức, dù có thể chưa đến giai đoạn cấp tính.
Tóm lại Vòng là cách luyện tập khớp xương và bắp thịt sao cho nhẹ nhàng nhuần
nhuyễn, khó bị chấn thương vì các cử động đi theo một vòng tròn đều đặn.

III) VƯƠN:
Đọc tới đây thế nào người đọc cũng chia ra làm 2 nhóm. Một số đông ít rành võ thuật sẽ
bị hoả mù vì những chi tiết có vẻ "kiếm hiệp" vui vui; số ít khác, từng có trình độ võ
thuật hay óc lý luận cao hơn sẽ tức cười nhưng chưa nói ra. Trong bụng họ nghĩ là anh
chàng này bắt đầu viết tầm bậy rồi! Bắp thịt làm sao vừa thư giản lại vừa co thắt được
mà nói đến vận động với tập luyện!
Sự thực là các bắp thịt, trong các thế Hoàng Hạc, có giai đoạn phải "gồng". Cái "gồng"
này ngoại quốc gọi là "stretching" (kéo dãn ra) và "isometric exercises" (có thể dịch ra
Hán Việt là "thể dục đẳng cự") mà Hoàng Hạc đã tóm thâu 2 chữ này thành chữ "Vươn".
Điều này có nghĩa là sau khi vận động theo nguyên tắc "vòng", toàn cơ thể sẽ đạt đến
một thời điểm, "tương ứng" với lúc phổi hít vào vừa xong, sau đó là giai đoạn bắt đầu
thở ra. (Hai chữ "tương ứng" nằm trong ngoặc kép là có lý do, xin sẽ giải thích sau).
Tức là sau khi "Vòng" một cách uyển chuyển thì người tập phải "Vươn" (nghĩa chữ giống
như trong vươn vai, nhưng vươn trong Hoàng Hạc là vươn tới tận đầu ngón tay). Trong
lúc "Vươn" đó, đương nhiên các bắp thịt đang bị chi phối bởi thế tập sẽ phải săn lại, dù
trong thời gian không lâu lắm. Thế “Vòng” và “Vươn” này kích thích các Thủ Cân Kinh,
6 kinh mỗi tay, bắt đầu ở các đầu ngón tay kéo dài đến thân thể!. Chính cái thời gian
ngắn hạn này của động tác "Vươn", thì cùng một lúc, cái "Bấm", đã nói ở nguyên tắc
đầu, phải "nâng" cả cơ thể lên bằng cách như đẩy người lên bằng các đầu ngón chân,
kích thích các Túc Cân Kinh và hơi thở tự động được nén xuống đan điền, trong một thời
khắc vừa đủ trước khi bắt đầu thở ra.
Thành ra với động tác "Vươn" rất nhiều bắp thịt được vận động một cách rất tự nhiên.
Và, với một số thế tập, cái "Vươn" này còn cố ý kéo các cơ nâng sườn lên, lồng ngực
được mở rộng ra tạo thêm áp suất âm (negative pressure) trong phổi kéo thêm oxygen
vào cho cơ thể. Chính vì điều này mà phía trên tôi viết 2 chữ "tương ứng" trong ngoặc
kép. Vì không phải hơi thở điều khiển cơ thể mà chính cơ thể trong lúc "Vươn" làm cho
sự hít vào lên tới mức tột đỉnh.
Tóm lại "Vươn" là lúc rất nhiều bắp thịt từ chân tay đến cơ thể tự vận động, nhưng
không làm cho người tập mệt vì sự vận động này (mỏi mà không mệt). Cũng như sự co
thắt khắp nơi trong cơ thể như vậy cũng giúp cho sự tuần hoàn khí huyết được luân
chuyển và "khí" được "nạp" vào Đan Điền.

IV) BUÔNG
Sau khi đọc giải thích chữ "Vươn" thì chắc ai cũng đã đoán được ý nghĩa chữ "Buông"
phần nào.
Đúng vậy, "Buông" như buông thả, thư giản, không có "stress", không có gồng, không
có cứng, tất cả phải mềm mại.
Nhứt là sau khi đến mức tột đỉnh của phần hít vào thì phải thở ra. Đối với Hoàng Hạc thì
sự thở ra này phải tự nhiên và hoàn toàn thụ động. Nghĩa là không có vấn đề dùng sức
cố gắng thổi hết hơi ra khỏi phổi, như khi tập một vài pháp môn khí công. Theo BS
Phạm Gia Cổn giải thích thì người lớn tuổi không nên cố thổi hết hơi ra vì sợ trụy phế
nang (alveolar collapse), do không còn giữ được cái gọi là FRC (Functional Residual
Capacity, lượng khí tối thiểu còn sót lại sau khi thở ra), điều này nếu xảy ra rất nguy
hiểm cho người tập.
Các cử động sau đó phải dịu dàng. Tay sau khi "Vươn" buông thả xuống nhẹ nhàng
như múa chớ không phải rơi nặng như cục đá! Các ngón chân vẫn cong xuống nhưng
không còn "Bấm" thật sự, do đó gót chân sẽ đụng tiếp xúc hoàn toàn với mặt đất (Vì khi
"Bấm" mạnh trong lúc "Vươn", gót chân đương nhiên sẽ bị nâng lên, NHƯNG KHÔNG
phải là NHÓN chân, vì nhón chân là tác dụng của phía trước bàn chân, sẽ cho kết quả
sẽ hoàn toàn khác hẳn).
Nhưng chưa phải như vậy là hết ý nghĩa của chữ "Buông"! Buông còn là thư giản (relax)
trong khi tập, miệng hơi mĩm cười, mắt không nhắm (Theo giải thích BS Cổn thì nhắm
mắt là đã co một bắp thịt, làm sao "relax" được!). Đúng ra theo cách tập khí công thì
thông thường cũng không cố mở mắt mà buông mí mắt xuống một cách tự nhiên, thành
ra nhìn vào như mắt khép đi một phần. Ngoại trừ trường hợp bị bắt buộc, như khẩu
khuyết của thế "Toàn Quyền Nộ Mục (mắt như giận) Tăng Khí Lực" trong bài Bát Đoạn
Cẩm.
BS Cổn cũng nhắc là trong khi tập lúc nào cũng phải để ý 2 bên vai, không được cứng
ngắc. Điều này đúng hoàn toàn, dù là trong lúc tập khí công hay không. Cái ảnh hưởng
của "stress" thường bắt đầu từ vai và tạo ra cái vòng luẫn quẩn, vai càng cứng thì càng
thêm "stress"! Nếu ta tự hỏi tại sao có cái phản xạ tự nhiên xoa bóp vai cho người bị
"stress", thì câu hỏi này tức là câu trả lời để giải thích hiện tượng đó! Còn theo Đông-y,
các kinh mạch từ trên đầu hay từ 2 tay tay liên lạc đến tạng phủ phần lớn sẽ qua vùng
vai (vùng huyệt Khuyết Bồn, St12) để xuống. Khi vai cứng ngắc thì luồng khí trong các
kinh mạch đó không thể lưu hành được một cách dể dàng thông suốt, do đó "stress" sẽ
ảnh hưởng đến tạng phủ là chuyện đương nhiên.
Tóm lại "Buông" không những chỉ là giai đoạn cuối của thế tập mà còn là nguyên tắc
căn bản để người tập nhớ là phải thư giản trong lúc tập. Do đó tôi đã viết từ đầu, Hoàng
Hạc làm người tập thấy "yêu đời" hơn là tại như vậy.

5/ Cách tập và mục đích

Sau khi phân tích để giải thích bốn nguyên tắc "Bấm", "Vòng", "Vươn", "Buông" như
trên, tôi thiển nghĩ người đọc cũng cần có một tầm nhìn tổng quát về cách tập của
Hoàng Hạc để thấy rõ hơn.
Như đã kể ở trên, phần luyện khí của Hoàng Hạc nhìn qua tương tự như Thái Cực
Chưởng, vì cách tập cũng giống như vậy. Theo Võ sư Phạn Gia Cổn thì các động tác
phải "chậm, nhẹ nhàng, tự nhiên, đồng điệu và liên tục". Tập chậm vì mỗi thế Hoàng
Hạc bao gồm trong một hơi thở, từ hít vào đến lúc "Vươn", kế ngay theo đó là hơi thở ra,
tận cùng bằng cuối lúc "Buông". Càng ngày người tập càng có hơi thở sâu hơn và lâu
hơn dần, và theo vậy, thời gian cho mỗi thế sẽ dài ra dần. Điều đó chứng tỏ sự tiến bộ
của khí lực người tập. Các thế tập phải nhẹ nhàng và tự nhiên để tạo sự dẻo dai mà
không thể gây nguy hại cho xương gân, nhất là nơi người đã lớn tuổi. Sự đồng điệu và
liên tục có mục đích làm phát triển trở lại khả năng hài hoà các cử động của toàn cơ thể
theo ý người tập.
Với cách tập như vậy, người tập đương nhiên sẽ đạt dần dần đến mức mong muốn của
người đã sáng lập ra môn Hoàng Hạc. Cử động của thân thể phải uyển chuyển và chính
xác, với những bắp thịt và khớp xương vừa linh hoạt vừa chắc chắn. Sự hô hấp càng
ngày càng sâu, càng dài và đều đặn. Tinh thần tráng kiện, điều khiển được cơ thể ngày
càng hoàn hảo và đồng điệu hơn. Vì vậy mà khi hỏi về mục đích của môn Hoàng Hạc
thì được trả lời là mong người tập đạt được "tâm ý, hô hấp, cử động hợp nhất".

6/ Kết luận

Để kết luận thì chúng ta, sau khi hiểu bốn nguyên tắc căn bản của môn Hoàng Hạc,
phải công nhận rằng BS kiêm Võ sư Phạm Gia Cổn đã nghĩ ra được một cái gì mới lạ và
tốt đẹp cho khí công. Không những chỉ tập chú trọng về hô hấp như quan niệm thông
thường của chữ "Khí". Là một y sĩ, anh còn để ý đến sự bắt đầu suy yếu thể lực nơi
người lớn tuổi, có nhu cầu vận động thêm về bắp thịt và khớp xương, bớt được đau
nhức, tức là bớt tùy thuộc vào thuốc men chống đau không cần thiết. Ngoài ra phải làm
sao để cho vừa sức của họ. Nếu sự tập tành như vậy giúp họ mạnh khoẻ thêm thì đây
là một điều quí giá, mà cũng không phải là một vấn đề không tưởng, nếu chúng ta nhìn
thử kết quả sau một thời gian tập luyện (Xem hình hai vị phụ nữ và "lão ông" đủ sức
đánh bể ván!).
Nhất là nếu trong
lúc tập họ được
làm quen với sự
thư giản, sự
thoải mái, cộng
thêm dịp được
tham dự một
sinh hoạt lành
mạnh, cùng gia
đình hoặc gặp
được người khác, kết được bạn mới để đở cô đơn...
Đúng như ước nguyện người sáng lập môn Hoàng Hạc đã đề ra: "Tôi cố gắng phối hợp
những hiểu biết, những kinh nghiệm về y học và võ hoc để chế biến thành 1 lối tập giản
dị và thích hợp cho mọi lứa tuổi, mọi thể trạng; cho người tập cũng như người không tập
võ. Lối tập bao gồm cả 3 phần: tinh thần, khí lực và thể lực."
Chúc anh thành công tốt đẹp. Chúc các tập sinh sớm đạt thành như bài thơ vừa đọc
được:
TÂM-THÂN-KHÍ HỢP NHẤT
V.K (Trần Vĩnh Kỳ) [15/02/2010]

Tâm như con vượn chuyền cành


Ý như chú ngựa chạy quanh không ngừng
Nên dùng Hoàng Hạc Khí Công
Bấm, Vòng, Vươn tới, Buông trong bỏ ngoài
Hít vào Tâm tĩnh vô ngai
Thở ra Ý lặng không ngoài Sắc, Không
Tâm, Thân, Thần khí một lòng
Hợp nhất trong một: khí công đắc thiền.

Brossard, xuân Canh Dần (2010)


Mai Tâm

Anda mungkin juga menyukai