Anda di halaman 1dari 28

Vén màn bí ẩn vũ trụ

qua 10 vật thể


Nguồn: New Scientist

Trần Nghiêm dịch

1
1. Bức xạ nền vi sóng vũ trụ

Nó là cái gì?

Ánh le lói của vụ nổ lớn.

Nó ở đâu?

Mọi nơi.

BÍ ẨN: VŨ TRỤ ĐÃ RA ĐỜI NHƯ THẾ NÀO?

Khi bức màn vũ trụ được vén lên, trong chốc lát đèn sân khấu vẫn chưa được
bật. Trong khoảng 380 000 năm đầu tiên, một khoảnh khắc ngắn ngủi trong thang
thời gian vũ trụ, các hạt tích điện lao đi vèo vèo trong vũ trụ sơ khai như thể nó là
một màn sương mờ đục, và không có ánh sáng lờ mờ nào thoát ra. Rồi vạn vật đủ
nguội cho các nguyên tử hình thành, sự tán xạ chấm dứt – và ánh sáng được giải
phóng.

Đáng chú ý là chúng ta vẫn có thể nhìn thấy ánh sáng đó. Chúng ta biết từ
các quan trắc chuyển động thiên hà rằng không gian đã và đang giãn nở kể từ buổi
bình minh vũ trụ, và ánh sáng này đã giãn nở và lạnh đi cùng không gian. Ngày nay,
nó tràn ngập toàn bộ không gian, một bể vi sóng thấp tần với nhiệt độ 2,7 kelvin.

2
Kể từ khi khám phá ra nó vào năm 1964, chúng ta đã lập những bản đồ hết
sức chính xác về bức xạ nền vi sóng vũ trụ này của toàn bộ bầu trời. Bản đồ tốt
nhất, kết quả của bốn năm săm soi bầu trời của vệ tinh Planck, hoàn tất vào năm
2014, khiến người ta phải vò đầu bứt tai. Ánh le lói của vụ nổ lớn khiến người ta
ngờ vực không biết vụ nổ ấy rốt cuộc có lớn không.

Vấn đề ấy phải nói cùng với lạm phát, một lí thuyết được nghĩ ra bởi nhà vũ
trụ học Alan Guth và những người khác hồi thập niên 1980 để giải thích vì sao vật
chất trong vũ trụ dường như được phân bố đồng đều theo mọi hướng. Trong một
vụ nổ lớn thuần tuý, các thăng giáng lượng tử sẽ gây ra các chênh lệch mật độ vật
chất lớn dần lên khi vũ trụ giãn nở. Guth giải thích cho tính đồng đều vũ trụ bằng
cách đề xuất sự tồn tại của một trường “inflaton” choán đầy không-thời gian lúc vụ
nổ lớn, buộc vũ trụ tách nhau ra nhanh hơn tốc độ ánh sáng. Điều này có nghĩa là
mọi thứ chúng ta nhìn thấy có nguồn gốc từ một vùng bé tí, đồng đều của không
gian ban đầu.

Lạm phát lập tức trở thành lí thuyết cứu rỗi. Nhưng trường lạm phát càng
có nhiều năng lượng thì không-thời gian càng bị chấn động bởi những con sóng
hấp dẫn li ti lúc khởi đầu thời gian. Nhưng cho đến nay chúng ta chẳng thấy vết tích
nào của các hiệu ứng sóng hấp dẫn trong bản đồ Planck.

Không phải không thể giải quyết vấn đề này bằng sự lạm phát, nhưng mà
khó làm, theo lời Anna Ijjas, một nhà vũ trụ học tại Đại học Columbia ở New York.
“Cái chúng tôi học được từ bản đồ Planck là những mô hình đơn giản nhất đã bị
loại,” bà nói.

Điều đó khiến lí thuyết lạm phát cũng “out” ra ngoài. “Chúng ta có thể thử
sửa nó, hoặc chúng ta có thể tìm cái gì đó tốt hơn,” Ijjas nói. Bản đồ Planck đang
thúc giục bà và những người khác, bao gồm một trong những kiến trúc sư chính
của lí thuyết lạm phát, Paul Steinhardt tại Đại học Princeton, hướng tới một quan
điểm khác về sự khởi đầu. Theo họ, nó không phải một vụ nổ mà là một cú bật
ngược.

3
Các mô hình mô tả vũ trụ “tuần hoàn” giãn ra, co lại và giãn ra trở lại đã tồn
tại được một thời gian, và bằng chứng gián tiếp tích góp trong thời gian gần đây
ủng hộ cho chúng. Sức hấp dẫn của chúng là mặc dù chúng nén vũ trụ xuống rất
nhỏ, nhưng nó sẽ không bao giờ ở những kích cỡ bé xíu tại đó hiện hữu các hiệu
ứng lượng tử ít được hiểu rõ nhất. Sự đồng đều phát sinh từ sự co nén đó.

Câu trả lời đúng vẫn còn nằm trong dự đoán của bất kì ai, nhưng Ijjas cho
biết bà kì vọng có thể đưa ra các dự đoán dựa trên các mô hình bật trở lại trong
vòng một hai năm tới, và so sánh chúng với các quan trắc bức xạ nền vi sóng vũ
trụ. Sự ra đời của vũ trụ có thể xảy ra trong tăm tối, nhưng chúng ta có thể sẽ sớm
nhìn thấy nó trong ánh sáng mới.

Bằng chứng đang tích góp ủng hộ cho ý tưởng rằng vụ nổ lớn có lẽ không
phải là bắt đầu của tất cả.

4
2. Vụ nổ Lorimer

Nó là cái gì?

Một tín hiệu vô tuyến cường độ mạnh, thoáng qua nhanh.

Nó ở đâu?

Nguồn gốc đâu đó ở bên ngoài thiên hà của chúng ta.

BÍ ẨN: CÁI GÌ XẢY RA TRƯỚC VỤ NỔ LỚN?

Nó hầu như biến mất ngay nhanh như khi nó đến, thành ra chẳng có gì bất
ngờ khi chúng ta chẳng hề để ý tới nó. Chỉ đến năm 2007, sáu năm sau sự kiện ấy,
Duncan Lorimer tại Đại học Tây Virginia và cậu học trò của ông, David Narkevic
mới phát hiện ra nó. Lúc ấy họ đang săm soi dữ liệu thu được từ kính thiên văn vô
tuyến Parkes ở New South Wales, Australia, thì phát hiện một vụ nổ sóng vô tuyến
thoáng qua nhanh đến mức khó hình dung nỗi. Kéo dài chưa tới 5 mili-giây, nó đi
tới Trái Đất vào ngày 24 tháng Bảy 2001, giải phóng năng lượng tương đương với
năng lượng Mặt Trời phát ra trong năm ngày.

Kể từ ấy, chúng ta đã dò thấy hơn 30 vụ nổ sóng vô tuyến nhanh (fast radio


burst – FRB) như thế và hoàn toàn không có sự đồng thuận về nguồn phát ra chúng.
Các đề xuất đa dạng từ các sao neutron đang va chạm đến phi thuyền ngoài hành

5
tinh. Tuy nhiên, lời giải thích kinh ngạc nhất và không phải hoàn toàn không hợp lí
cho rằng chính các lỗ đen đang bật ngược là nguồn phát ra các vụ nổ vô tuyến như
thế. Và chưa hết, điều đó còn có nghĩa là vũ trụ đã không ra đời trong một vụ nổ
lớn.

Tâm điểm của ý tưởng cấp tiến này nằm ở các kì dị, các hiện tượng phát sinh
từ thuyết tương đối rộng Einstein. Lí thuyết này giải thích cách lực hấp dẫn phát
sinh qua sự bẻ cong không-thời gian, và do đó cách toàn bộ vũ trụ tiến hoá.

Các kì dị xuất hiện ở những chỗ các phương trình Einstein không còn ý nghĩa
nữa, vì khối lượng tập trung đến mức không-thời gian trở nên bẻ cong vô hạn giống
như nội phần của lỗ đen. Theo quan điểm đồng thuận hiện nay, cái chúng ta cần để
quét sạch những kì dị phiền hà này là một lí thuyết lượng tử về lực hấp dẫn, trong
đó không-thời gian không còn là một kết cấu mượt mà và vô cùng linh hoạt nữa,
mà thay vào đó chúng xuất hiện thành những mảng rời rạc.

Năm 2014, Carlo Rovelli tại Đại học Aix-Marseille ở Pháp và Francesca
Vidotto, nay làm việc tại Đại học Basque Country ở Tây Ban Nha nhận thấy có một
giới hạn đối với mức bẻ cong và co nén của những mảng không gian này. Khi một
lỗ đen đạt tới một mật độ nhất định, lực hấp dẫn sẽ khuất phục trước áp suất hướng
ra của chính không-thời gian. Kết quả là một cú bật ngược lượng tử, một vụ nổ biến
lỗ đen thành “lỗ trắng” ói ra những thứ mà tiền thân của nó đã nuốt vào. Trong
khuôn khổ của một thuyết hấp dẫn lượng tử nhất định, thuyết hấp dẫn lượng tử
vòng, Rovelli, Vidotto và Aurélien Barrau tại Đại học Grenoble-Alps, Pháp, chứng
minh được rằng cú bật ngược của các lỗ đen nguyên thuỷ - những con quái vật hấp
dẫn bé nhỏ mà người ta cho rằng đã hình thành trong dư âm của vụ nổ lớn – có thể
tạo ra những tín hiệu vô tuyến cao tần na ná như tín hiệu FRB.

Ta không thể xác nhận sự tồn tại của một lỗ trắng chỉ dựa trên một vụ nổ
riêng lẻ. Nhưng nếu ý tưởng của họ là đúng, thì các nhà nghiên cứu ấy đã nhận ra
kiểu dữ liệu sẽ xuất hiện khi có đủ số sự kiện FRB cho trước.

Và đây là vấn đề, Barrau nói: vụ nổ lớn cũng là một kì dị. Ngoài ra, “cấu trúc
của kì dị bên trong các lỗ đen không khác mấy với kì dị tại vụ nổ lớn. Nếu các lỗ

6
đen thật sự bật ngược, thì rất có khả năng vũ trụ cũng làm thế.” Thay vì hiện hữu
từ hư vô, có lẽ vũ trụ mà chúng ta biết đã hình thành khi một vũ trụ trước đó co lại
cho đến khi nó không còn co được nữa và rồi… BÙM! Bài học rút ra từ các vụ nổ vô
tuyến nhanh là: sự khởi đầu của vũ trụ là thứ gì đó chứ không phải sự khởi đầu.

3. Siêu tân tinh SN 2017CBV

Nó là cái gì?

Vụ nổ sao

Nó ở đâu?

Thiên hà NGC 5643, cách chúng ta 55 triệu năm ánh sáng.

BÍ ẨN: VŨ TRỤ SẼ KẾT THÚC NHƯ THẾ NÀO?

Giữa lưng chừng vũ trụ, một ngôi sao nằm chết. Bạn ghi chép nó như thường
lệ, thứ sự kiện xảy ra một triệu lần trong vùng láng giềng nhung nhúc này. Chỉ khi

7
thật chậm rãi bạn mới nhận ra làm thế nào ca tử vong này có thể làm lung lay vũ
trụ học đến tận cốt lõi của nó.

Chuyện đại loại như vậy đã xảy ra vào tháng Ba 2017 khi, trên một chuyến
tuần tra bầu trời đêm như thường lệ, David Sand tại Đại học Arizona bắt gặp thứ
gì đó mới mẻ. Thoạt nhìn, nó chỉ là một siêu tân tinh loại Ia khác, cái chết nảy lửa
của một sao lùn trắng đã phù to hết cỡ.

Các sao lùn trắng gói ghém khối lượng Mặt Trời vào thể tích chừng bằng Trái
Đất. Chúng thường xuất hiện thành cặp, với một sao liếm láp sao kia, hút lấy vật
chất từ nó. Ăn nhiều nên bội thực, ngôi sao ma cà rồng này có thể vượt quá mật độ
tới hạn tại đó các nguyên tử carbon trong lõi của nó hợp nhất thành những nguyên
tố nặng hơn. “Về cơ bản nó là một quả bom nhiệt hạch mất kiểm soát,” phát biểu
của Mark Sullivan tại Đại học Southampton, Anh. Trong vòng vài giây, ngôi sao ấy
trở thành hàng tỉ tấn mảnh bom phóng xạ. Khi ngôi sao này phân huỷ qua tuần nọ
tháng kia, nó giải phóng nhiệt và bức xạ nhìn thấy giữa lưng chừng vũ trụ.

Tuy nhiên, các quan sát sâu rộng về SN 2017cbv cho thấy người bạn đồng
hành bí ẩn của ngôi sao đang nổ không phải một sao lùn trắng khác, mà là một sao
lớn hơn. Sở dĩ như vậy bởi vì chúng ta đã giả định rằng các siêu tân tinh loại Ia có
cơ chế kích hoạt giống nhau, và do đó có độ sáng đồng đều, nghĩa là chúng trông
như thế nào đối với chúng ta chỉ phụ thuộc vào khoảng cách của chúng.

Giả định ấy dựa trên một trong những kết quả rắc rối nhất trong vũ trụ học:
khám phá năm 1998 về một nhóm ít siêu tân tinh loại Ia ở xa đồng loạt mờ nhạt
hơn trông đợi. Kết luận là những siêu tân tinh này ở xa hơn chúng ta từng nghĩ,
chúng bị hút ra xa chúng ta bởi một thế lực tăm tối nào đó đang làm cho vũ trụ giãn
nở ở tốc độ ngày càng nhanh.

Chẳng ai biết “năng lượng tối” ấy có thể là cái gì. “Tôi ghét dùng từ phản hấp
dẫn, nhưng đó là một cách tốt để nghĩ về nó,” Sullivan nói. Sức hút của năng lượng
tối định đoạt kích cỡ của vũ trụ, tuổi thọ của nó, và cả di nguyện cuối cùng của nó.
Nếu nó phát triển đủ mạnh, cuối cùng nó có thể chiến thắng sức hút hấp dẫn giữ
vật chất với nhau, đem lại “cú xé lớn” sẽ báo hiệu cái chết cho mọi thứ hay ho trong

8
vũ trụ. Trong khi đó, một vũ trụ không có đủ năng lượng tối để giữ cho nó giãn ra
thì có thể suy sụp trên chính nó trong một “vụ nghiền lớn”.

Các siêu tân tinh dị thường như SN 2017cbv khiến người ta dựng ngược lông
mày. “Có rất nhiều thứ về siêu tân tinh loại Ia vẫn còn bí ẩn,” phát biểu của Peter
Garnavich tại Đại học Notre Dame ở Indiana – chẳng hạn, chúng có ít nhất hai cơ
chế kích hoạt khả dĩ. “Nếu bạn gặp cả hai thứ, thì có thể bạn bị lừa,” Sullivan nói.

Như vậy, phải chăng điều đó có nghĩa là chúng ta đã rơi vào một thung lũng
tối cùng với năng lượng tối? Có lẽ vậy. “Nếu có hai nhóm, và chúng trộn lẫn nhau,
thì chúng ta có thể gặp sai số hệ thống,” Garnavich nói. “Có khả năng là chúng ta
chưa hiểu tốt vật lí học.”

Những thứ khác ít được quan tâm hơn, ví dụ như sai số chủ yếu không nằm
ở hiểu biết lí thuyết của chúng ta về các vụ nổ, mà ở sự bất lực của chúng ta trước
việc đo chúng đủ chính xác. Cách tốt nhất để làm sáng tỏ vấn đề là chứng kiến nhiều
cái chết sao hơn nữa ngay khi chúng xảy ra, chứ không phải muộn sau vài ngày,
như trước nay vẫn vậy. “Sẽ sướng lắm đây nếu chúng ta tìm thấy một phát súng
khai màn,” Sullivan nói. Phát súng ấy sẽ thổi tung và làm sáng tỏ mọi thứ.

9
4. Vạn lí Trường thành BOSS

Nó là cái gì?

Siêu đám thiên hà

Nó ở đâu?

Trung bình ở xa chúng ta 6,8 tỉ năm ánh sáng

BÍ ẨN: PHẢI CHĂNG CHÚNG TA NGỤ Ở MỘT NƠI ĐẶC BIỆT?

Toàn bộ nền vũ trụ học của chúng ta được xây dựng trên ý tưởng về sự tầm
thường của chúng ta: rằng chúng ta chẳng có gì đặc biệt, và Trái Đất cũng vậy.

Ý tưởng trên có từ thời Phục hưng, và khám phá của Copernicus rằng Trái Đất quay
xung quanh Mặt Trời. Bất ngờ chúng ta không còn ngự ở vị trí trung tâm của Tạo
hoá nữa.

Chuyện trở nên sáng tỏ kể từ ấy là Trái Đất chỉ là một hành tinh bình thường
quay xung quanh một ngôi sao bình thường trong một thiên hà giống như nhiều
thiên hà khác, và khám phá của Copernicus đã định hình thành nguyên lí
Copernicus: về trung bình, chẳng có nơi trong vũ trụ là đặc biệt hết. Vạn vật trông
y hệt nhau, và chẳng có nơi nào nổi bật hơn cả. Giả định ấy đã được tôi luyện thành
các mô hình hiện nay của chúng ta về vũ trụ, xây dựng trên thuyết tương đối rộng
Einstein.

10
Trọng điểm của nguyên lí Copernicus là ý tưởng về cấp độ. Hãy tưởng tượng
vũ trụ là một đám đông người. Tiến đến gần bạn có thể nhìn thấy nét mặt từng
người. Tuy nhiên, lùi ra đủ xa thì tất cả những gì bạn thấy chỉ là một đám người
trông y hệt nhau.

Vì thế, trong khi ở những cấp độ nhỏ vũ trụ trông rất khác biệt, nó bao gồm
từng hệ Mặt Trời, từng thiên hà và đám thiên hà, nhưng ở một cấp độ nào đó,
thường xét vào khoảng một tỉ năm ánh sáng, những khác biệt như thế không còn
nữa. Tính trung bình, mạng lưới chất liệu làm nền vũ trụ trông y hệt nhau.

Ý tưởng này chịu nhiều thách thức trong thời gian gần đây. Có lẽ thách thức
lớn nhất là Vạn lí Trường thành BOSS (BOSS Great Wall), được khám phá vào năm
2016. Tên gọi viết tắt từ chương trình nghiên cứu đã khám phá ra nó, Baryon
Oscillation Spectroscopic Survey, “tường thành” ấy thật ra là một cấu trúc dạng sợi
khổng lồ gồm khoảng gần một nghìn thiên hà, trải ra trên một tỉ năm ánh sáng.

Siêu đám Virgo, một mảng dày đặc thiên hà bao gồm Ngân hà của chúng ta,
dường như là bộ phận của cái gì đó còn to hơn nhiều. “Chúng ta đang sống trong
vùng ngoại vi của một siêu đám lớn tên là Laniakea,” phát biểu của András Kovács
tại Viện Vật lí Năng lượng cao ở Barcelona, Tây Ban Nha. Được khoanh vùng vào
năm 2014, siêu đám này có kích cỡ 500 triệu năm ánh sáng. Cũng trong năm 2014,
chúng ta còn phát hiện một mảng trời trống rỗng bao la gọi là siêu-khoảng không
nằm ngay cạnh chúng ta, trải dài 2 tỉ năm ánh sáng.

Tóm lại, có thể chúng ta đang chiếm giữ một vị trí hơi khác thường trong vũ
trụ, nằm giữa một siêu đám lớn ở một bên và một siêu-khoảng không ở bên kia.
“Một kịch bản như thế có thể là một sắp xếp hiếm trong mạng lưới vũ trụ,” Kovács
nói.

Điều đó không nhất thiết đặt dấu chấm hết cho nguyên lí Copernicus, theo
lời Brent Tully ở Viện Thiên văn học ở Hawaii: có lẽ vị thế khác thường của chúng
ta chỉ gây thêm khó dễ cho việc chúng ta quan sát vũ trụ tổng thể đồng đều. Tully
đang bỏ sức mở rộng các bản đồ của chúng ta thêm nữa vào vũ trụ, tăng gấp đôi
khoảng cách đo được tính đồng đều.

11
Nhưng đến chừng mực nào đó chúng ta sẽ đạt tới giới hạn. “Nếu các mảng
không đồng đều lớn hơn cấp độ này thì điều đó sẽ thách thức học thuyết chuẩn
hiện nay của chúng ta,” ông nói. Nếu chúng ta nhận ra thứ gì đó còn lớn hơn Vạn lí
Trường thành BOSS, thì sự nhiễu loạn kết cấu không-thời gian do khối lượng khổng
lồ của nó gây ra thậm chí có thể làm thay đổi các tính toán của chúng ta về tốc độ
vũ trụ giãn nở, và do đó tuổi hiện nay của nó. Hiện nay, hai phép đo kình địch nhau
về tốc độ giãn nở của vũ trụ không ăn khớp với nhau. Tình trạng lổn nhổn không
đều có thể là chìa khoá để giải quyết vấn đề đó – và mở ra cánh cửa bước sang cái
đặc biệt hơn.

12
5. Tinh vân Tarantula

Nó là cái gì?

Đám mây đang hình thành sao

Nó ở đâu?

Đám mây Magellan Lớn, ở cách chúng ta 163.000 năm ánh sáng

BÍ ẨN: CÁI GÌ TẠO RA CÁC SAO KHỔNG LỒ?

Những dấu hiệu đầu tiên báo hiệu một cơn bão sắp đổ bộ xuất hiện vào năm
2010. Đó là khi một đội gồm các nhà thiên văn học tìm thấy bốn sao khổng lồ trong
tinh vân Tarantula, một vùng đang hình thành sao trong thiên hà láng giềng của
chúng ta, Đám mây Magellan Lớn. Sao lớn nhất trong số đó to gấp 265 lần khối
lượng Mặt Trời. “Chúng tôi vô cùng bất ngờ trước khám phá ấy,” theo lời Fabian

13
Schneider, một thành viên đội nghiên cứu tại Đại học Oxford. Khám phá ấy có nhiều
hệ quả tiềm tàng, từ sự dồi dào lỗ đen cho đến khả năng có người ngoài hành tinh.

Lí thuyết sao lâu nay cho rằng không tồn tại các sao có khối lượng trên 150
lần khối lượng Mặt Trời. Ánh sáng của chúng, trong lúc cố thoát ra, sẽ tác dụng một
áp suất lớn đến mức “các lớp bề mặt của ngôi sao sẽ bị bong ra và rách toạc,”
Schneider nói.

Nhưng các sao khổng lồ vừa tìm thấy không bị bong tróc như vậy. Trong
năm nay, Schneider và đội của ông tìm thấy cả một binh đoàn sao quá cỡ trong tinh
vân trên. Các sao lên tới 200 khối lượng Mặt Trời dường như là bình thường, một
số sao còn lớn hơn nữa.

Một trò gian trá chăng? Hay là do may rủi thống kê? Có lẽ không phải, nếu
một kết quả từ hướng kia của vũ trụ ủng hộ nó. Một đội nghiên cứu sử dụng kính
thiên văn vô tuyến ALMA ở Chile vừa tìm ra cách cân các sao trong các thiên hà ở
xa chúng ta đến mức chúng ta nhìn thấy chúng khi chúng còn ở trong thời trứng
nước của vũ trụ. Bằng cách phân tích ánh sáng các sao ấy phát ra, các nhà nghiên
cứu có thể xác định tỉ số các đồng vị hoá học mà ngôi sao ấy phải chứa, từ đó cho
phép họ suy luận ra khối lượng của chúng. Có vẻ như trong những thiên hà này
cũng có các sao bất tuân lí thuyết.

Nếu vậy thì những hệ quả ấy vẫn hãy còn xa. Một vài trăm triệu năm sau vụ
nổ lớn, vũ trụ đã nguội đi thành một nồi súp nguyên tử hydrogen lạnh lẽo, không
còn ở trạng thái kích thích nữa, nổi bồng bềnh trong bóng đêm Tăm tối. Vào một
lúc nào đó, các sao đầu tiên ra đời, đưa vũ trụ ra khỏi những kỉ nguyên tăm tối của
nó. Các nhà thiên văn bắt được tín hiệu của sự kiện này trong thời gian gần đây
cảm thấy bị bắt bí vì nó mạnh hơn nhiều so với họ kì vọng – kết quả ấy có thể giải
thích được nếu những ngôi sao đầu tiên này cũng là quá cỡ.

Có nhiều sao khối lượng lớn hơn cũng đồng nghĩa là có nhiều vụ nổ siêu tân
tinh hơn lúc các sao qua đời. “Chúng ta đang nói tới thêm khoảng 70%,” Schneider
nói. Một lần nữa, có lẽ chúng ta đã có bằng chứng cho điều đó. Siêu tân tinh SN
2007bi, nó bùng nổ ở xa hơn một tỉ năm ánh sáng, có vẻ đã bùng phát từ một sao

14
hơn 200 lần khối lượng Mặt Trời. Khi những tàn dư siêu tân tinh như vậy suy sụp
trên chính nó, chúng cũng có thể tạo ra số lượng lỗ đen nhiều gấp bốn lần so với
chúng ta từng nghĩ, làm gia tăng cơ hội tìm thấy các sự kiện hợp nhất lỗ đen bằng
các detector sóng hấp dẫn.

Có lẽ, quan trọng nhất, việc có thêm nhiều siêu tân tinh đại khái có thể làm
tăng gấp đôi số lượng nguyên tố nặng được tạo ra khi các sao khối lượng lớn qua
đời. Đây là cách các nguyên tố như oxygen, carbon, và sắt được phun tràn ra vũ trụ,
đem lại một nguồn cung dồi dào hơn của các thành phần quan trọng cho sự sống.
Toàn bộ câu chuyện rất nóng hổi, nhưng làm thế nào các sao khối lượng lớn này
tồn tại được thì chúng ta chẳng có manh mối gì.

15
6. Thiên hà NGC 1052-DF2

Nó là cái gì?

Thiên hà cực kì khuếch tán

Nó ở đâu?

Cách chúng ta khoảng 60 triệu năm ánh sáng trong chòm sao Cetus

BÍ ẨN: VẬT CHẤT TỐI CÓ THẬT SỰ TỒN TẠI KHÔNG?

Đối với hai phe nghiên cứu vũ trụ học, vũ trụ là một bãi chiến trường. Họ sa
lầy trong trận cãi vã xem cái gì làm các thiên hà ngừng bay ra xa nhau.

Mâu thuẫn đã nảy sinh từ thập niên 1970, khi các phép đo về các thiên hà
đang quay tròn cho thấy tất thảy chúng đều quay quá nhanh để mà giữ được vật
chất của chúng. Ở đa số thiên hà, cần lượng vật chất gấp 10 đến 100 lần so với
lượng chúng ta có thể phát hiện để giữ chúng lại.

Cho đến nay, phe đa số nghĩ rằng sự không nhất quán ấy là do ảnh hưởng
của “vật chất tối” bí ẩn tác dụng lực hấp dẫn mà chúng ta chưa quan sát được trực

16
tiếp. Nhưng phe thiểu số ngoan cố thì tin rằng vật chất tối là một ảo giác, và rằng
các thiên hà giữ được hình dạng của chúng là do một phương diện mới của lực hấp
dẫn mà chúng ta chưa hiểu đúng.

Thiên hà cực kì khuếch tán NGC 1052-DF2, được khám phá hồi đầu năm nay,
có vẻ là kẻ làm thay đổi cuộc chơi: nó chẳng cần vật chất vô hình để giữ cho nó quay
tròn ở tốc độ đo được. Nhưng thật ngược đời, vật thể có vẻ như chẳng có vật chất
tối này “có thể là bằng chứng cho sự tồn tại của vật chất tối,” phát biểu của Pieter
van Dokkum tại Đại học Yale, một đồng tác giả của khám phá thiên hà trên. Bởi vì
khá đơn giản nếu bạn hình dung rằng một thiên hà đơn độc vì lí do gì đó bị tước
mất vật chất tối, nhưng còn dễ hơn nhiều nếu bạn hình dung một thiên hà trong đó
lực hấp dẫn sửa đổi không hề có tác dụng. “Trên danh nghĩa, đây là một bài toán to
bự cho các lí thuyết lực hấp dẫn thay thế,” van Dokkum nói.

Không quá nóng vội, theo lời Andrew Pontzen tại Đại học College London
thì: kết quả trên “còn lâu mới rõ ràng”. Đội van Dokkum không thể đo trực tiếp tốc
độ của các sao trong thiên hà NGC 1052-DF2, thay vào đó họ nhận dạng 10 đám
sao của nó và sử dụng tốc độ quay của chúng để thay thế. Đó không phải một ví dụ
tiêu biểu, Pontzen nói. “Bạn rất có thể thu về những đáp số sai lệch chỉ bởi sự may
rủi tình cờ.”

Và phe ủng hộ lực hấp dẫn sửa đổi sẽ sớm tung đòn đáp trả. Stacy McGaugh
tại Đại học Case Western Reverse ở Ohio và các cộng sự đã chứng minh rằng nếu
xét NGC 1052-DF2 dìm trong trường hấp dẫn của một thiên hà elip lớn hơn thì
phân tích không được thành công. “Giá như tôi chơi trò quay số, tôi sẽ mô tả vật
thể này là một thành công to lớn của lực hấp dẫn sửa đổi,” McGaugh nói.

Vào cuối năm nay, van Dokkum sẽ sử dụng kính thiên văn Keck ở Hawaii cố
gắng đo tốc độ quay của thiên hà lưa thưa không giống ai này từ khối lượng kết
hợp của các sao của nó, đồng thời tìm kiếm những thiên hà mờ nhạt khác có hành
trạng tương tự có thể đánh đổ thuyết lực hấp dẫn sửa đổi một lần và mãi mãi. “Cuộc
đi săn nay đã bắt đầu,” ông nói. “Nếu chúng ta có thể loại trừ cả dòng họ lí thuyết
này, thì đó sẽ là một tiến bộ to lớn.”

17
7. Hành tinh Kelt-11B

Nó là gì?

Ngoại hành tinh “Mộc tinh nóng”

Nó ở đâu?

Hệ sao Kelt-11, ở xa 320 năm ánh sáng

BÍ ẨN: HỆ MẶT TRỜI CỦA CHÚNG TA CÓ BÌNH THƯỜNG KHÔNG?

Nhìn bề ngoài, nó là một gã béo: đầy đặn 1,4 lần đường kính Mộc tinh, hành
tinh lớn nhất trong hệ Mặt Trời của chúng ta. Được khám phá vào năm 2016, thoạt

18
nhìn Kelt-11b chỉ là một trong nhiều “Mộc tinh nóng” cỡ lớn quay gần ngôi sao của
chúng, và làm giảm đáng kể ánh sáng của ngôi sao mẹ khi chúng đi ngang qua phía
trước (theo hướng nhìn của chúng ta).

Nhưng khi các nhà thiên văn tính khối lượng của Kelt-11b, họ thấy nó đúng
là đồ tép riu, chỉ bằng 20 phần trăm khối lượng Mộc tinh. Kết hợp con số này với
kích cỡ của nó thì tỉ trọng trung bình của hành tinh này chỉ nhỉnh hơn hộp xốp
polystyrene một chút.

Ngày nay chúng ta có một danh sách tăng dần về những hành tinh phụng
phệ này: mới đầu năm nay thôi chúng ta tìm thấy WASP-127b, nó có các số liệu
thống kê chủ yếu rất giống với Kelt-11b. Vấn đề là chúng cứ bay lởn vởn trước
những thứ chúng ta nghĩ chúng ta đã biết về sự hình thành hành tinh, dựa trên hệ
Mặt Trời của chúng ta. “Chúng ta thật sự chẳng biết làm thế nào chúng lại căng
phồng lên như thế,” phát biểu của Joshua Pepper tại Đại học Lehigh ở Pennsylvania,
người lãnh đạo đội Kelt-11b.

Hệ Mặt Trời của chúng ta đem lại ý nghĩa tham khảo cho chúng ta. Có những
hành tinh đất đá kích cỡ nhỏ như Trái Đất ở phía trong, và các hành tinh khí khổng
lồ như Mộc tinh ở phía ngoài. Khi các hành tinh hình thành, sức nóng ở gần Mặt
Trời làm giải thoát phần lớn chất khí, nhưng những lượng lớn các chất dễ bay hơi
ngưng tụ lại trong những vùng nguội hơn, ở phía ngoài, làm cho lõi rắn to dần để
xung quanh đó những quả cầu khí khổng lồ tích tụ vào. Tuy nhiên, những vật thể
hình nấm và những vật thể hình thù kì dị khác mà chúng ta đã tìm thấy cho thấy
kịch bản này không phải lúc nào cũng đúng.

Chỉ dẫn duy nhất mà chúng ta có là những vật thể kì lạ này ở rất gần ngôi sao
của chúng. “Chắc chắn nó liên quan đến mức bức xạ mà chúng đang nhận,” phát
biểu của Don Pollaco tại Đại học Warwick, Anh, người đã giúp khám phá WASP-
127b. Nhưng các tính toán cho thấp bấy nhiêu thôi chưa đủ để giải thích sự căng
phồng của chúng.

Các Mộc tinh nóng và các hành tinh phụng phệ được cho là đã hình thành ở
phía ngoài, sau đó di cư vào trong. Tất cả các hành tinh lúc ban đầu đều nóng bỏng,

19
vì sự tích tụ các mảnh vụn với nhau tạo nên chúng làm giải phóng năng lượng hấp
dẫn và động năng. Nếu chúng di cư trước khi chúng có thể nguội hẳn, thì có lẽ môi
trường do ngôi sao đem lại quá nóng nên chúng không bao giờ tống khứ được
lượng nhiệt còn thừa. Hoặc có lẽ các hành tinh đó bị thổi phồng lên trở lại, có khả
năng do những trận gió hạt vũ trụ hoặc do từ trường của ngôi sao.

Không ai thật sự biết được. “Khi bạn nghĩ về nó, đó là chuyện không thể tin
nổi,” Pollaco nói. “Có cái gì đó đang vận hành hiệu quả đến mức khó tin làm căng
phồng những hành tinh đó.”

Chúng ta càng chứng kiến nhiều vật thể hành tinh kì lạ, thì chúng ta càng
phải đối mặt trước một câu hỏi bao quát hơn: phải chăng chúng là quy luật, còn hệ
Mặt Trời của chúng ta là ngoại lệ? Một lần nữa, chẳng ai biết trả lời. “Chúng ta
không biết liệu cấu hình hệ Mặt Trời của chúng ta là phổ biến hay là hiếm gặp,”
Pepper nói. “Đơn giản là chúng ta chưa có khả năng khảo sát đủ các hệ với đủ cách
khác nhau để biết được điều đó.”

20
8. Sagittarius A*

Nó là cái gì?

Siêu lỗ đen

Nó ở đâu?

Tâm Ngân hà, ở xa 25 640 năm ánh sáng

BÍ ẨN: CÁC SIÊU LỖ ĐEN RA ĐỜI NHƯ THẾ NÀO?

Nếu bạn có một đêm đẹp trời ngắm nhìn chòm sao Bọ Cạp (Scorpius), bạn
hãy tìm cái đuôi của nó. Dõi theo cái đuôi cong của nó uốn vào bầu trời đêm lân
cận, bạn sẽ tự mình tìm thấy ngay thôi: trung tâm của Ngân hà. Ở đó có một lỗ sụt
lún của thiên hà của chúng ta, một siêu lỗ đen tên gọi là Sagittarius A*. Thật kinh
ngạc làm sao, nó cân nặng bằng 4 triệu lần khối lượng Mặt Trời và nằm gọn trong
đường kính 44 triệu kilo-mét. Toàn bộ vật chất đó bị nén vào một không gian chừng
bằng kích cỡ của quỹ đạo Thủy tinh xung quanh Mặt Trời.

Mặc dù các lỗ đen bịp bợm như thế, nhưng chúng ta nghĩ chúng chỉ là hệ quả
tự nhiên của cách vật chất tạo nên thiên hà. Vật chất kết tụ để hình thành các sao,

21
và một số sao ấy cuối cùng trở nên đồ sộ đến mức chúng suy sụp dưới lực hấp dẫn
riêng của chúng và tạo thành một lỗ đen khối lượng cấp sao.

Theo thời gian một vật thể như thế có thể sẽ trở thành siêu lỗ đen. Lực hấp
dẫn kinh khủng của nó nuốt chửng bụi, chất khí và ánh sáng từ thiên hà xung quanh
nó vào một cái đĩa bao xung quanh nó, cuối cùng thì nó hút vật chất này vượt qua
“chân trời sự kiện” và không bao giờ được nhìn thấy nữa. Lỗ đen ăn càng nhiều thì
khối lượng của nó càng lớn và lực hút của nó càng mạnh bạo. Lỗ đen to nhất có thể
tóm giữ một phần mười khối lượng Mặt Trời vào vành đĩa của chúng mỗi năm.

Nhưng các tính toán cho thấy có một giới hạn nghiêm khắc đối với thói háu
đói của lỗ đen. “Cái đĩa [bao xung quanh lỗ đen] phát bức xạ và nó có thể tống khứ
vật chất ra xa, và điều đó sẽ làm dừng sự bồi tụ,” phát biểu của Scott Kenyon tại
Trung tâm Thiên văn Vật lí Harvard-Smithsonian ở Massachusetts.

Tuy nhiên, trên thực tế các lỗ đen thường đâu coi quy luật ấy ra gì.
Sagittarius A* vẫn hãy còn non so với lỗ đen bự chảng nhất từng được tìm thấy.
Con quái thú này, ở xa 3,5 tỉ năm ánh sáng tại tâm của một quasar tên là OJ 287, có
khối lượng bằng một tỉ Mặt Trời. Để to đến như thế, mỗi năm nó phải tọng vào
khoảng chín ngôi sao cỡ Mặt Trời trong 10 tỉ năm qua. Nó cũng là siêu lỗ đen già
cỗi nhất, nó đã to bằng 800 triệu lần khối lượng Mặt Trời khi vũ trụ mới 700 triệu
năm tuổi.

Có lẽ những con quái vật khổng lồ này hình thành khi mỗi ngày các siêu lỗ
đen hợp nhất, đem lại cho chúng cú hích tăng trưởng – mặc dù quá trình đó diễn
ra dữ dội nhưng nó cũng có khả năng làm tán xạ vật chất ở vùng lân cận giúp chúng
tiếp tục lớn lên, Kenyon nói. Hoặc có thể chúng đã xơi tái vô số sao khối lượng lớn.

Hoặc có thể chúng ta đã có hiểu biết không đúng: các thiên hà không hề sinh
ra tất cả các siêu lỗ đen, mà các lỗ đen có thể xuất hiện trước, theo lời Avi Loeb,
cũng tại Harvard. “Nó phụ thuộc hoàn toàn vào cách bạn định nghĩa thế nào là một
thiên hà,” ông nói.

Nếu vũ trụ chứa các tiền-thiên hà vốn chỉ là những đám mây khí nóng, thì
những đám mây này có thể suy sụp trực tiếp thành lỗ đen nếu chúng đủ mức đậm

22
đặc, Loeb nói. “Bạn có thể hình dung một số lỗ đen được sinh ra không bao lâu sau
vụ nổ lớn và tồn tại trong chốc lát, chúng hút lấy vật chất và tạo ra thiên hà,” ông
nói. Kịch bản đó sẽ cho chúng có đủ thời gian hút lấy các sao và lớn lên thành những
con quái vật đồ sộ mà chúng ta thấy ngày nay.

9. Trái Đất

Nó là gì?

Một thế giới chủ yếu gồm silicate quay xung quanh một sao loại G

Nó ở đâu?

Ngay dưới chân bạn

23
BÍ ẨN: CÓ SỰ SỐNG NGOÀI TRÁI ĐẤT KHÔNG?

Vào đêm 8 tháng Mười Hai năm 1990, một phi thuyền vũ trụ đã bay vèo qua
cách Trái Đất 960 km. Khi nó lướt sớt qua, nó quét qua mặt đất tìm ánh sáng, nhiệt
và sóng vô tuyến, tìm kiếm những dấu hiệu của sự sống.

Đây chẳng phải một đợt viếng thăm gần của người ngoài hành tinh. Phi
thuyền ấy, tên gọi Galileo, là một trong các phi thuyền của loài người chúng ta, trên
hành trình đến Mộc tinh. Nhưng một trong các nhà khoa học NASA điều hành sứ
mệnh ấy, Carl Sagan, có ý tưởng sử dụng cú lướt sát Trái Đất để chạy thử công nghệ
dò tìm sự sống. Chắc chắn Galileo đã dò thấy dồi dào nước, oxygen, methane và
một sắc tố hấp thụ ánh sáng đỏ. Những quan sát này kết hợp lại “đề xuất mạnh mẽ”
rằng Trái Đất đang nhung nhúc sự sống.

NƯỚC, NƯỚC!

Trái Đất là nơi duy nhất có sự sống mà chúng ta biết. Nhưng với số lượng
hành tinh trong thiên hà của chúng ta nhiều như thế, chứ chưa nói đến toàn vũ trụ,
thì rất có khả năng Trái Đất không phải nơi duy nhất có sự sống. Để gãi chỗ ngứa
này, chúng ta phải đi tìm sự sống ở nơi nào đó khác. Giả thuyết mặc định sẽ là nó
giống với sự sống trên Trái Đất. Điều đó có nghĩa là nó sẽ cần nước ở thể lỏng.

Trong hệ Mặt Trời của chúng ta, ứng cử viên hàng đầu là Hỏa tinh, gần như
chắc chắn nó từng có một đại dương trên bề mặt và có thể vẫn còn giữ được chút
tàn dư dưới lòng đất, và một số vệ tinh băng giá của Thổ tinh và Mộc tinh, đặc biệt
là Enceladus và Europa. “Dù rằng chúng có một bề mặt băng giá, nhưng chúng có
một đại dương nước lỏng dưới lòng đất,” theo lời Zita Martins, một nhà sinh vật
học vũ trụ tại Đại học Lisbon ở Bồ Đào Nha. “Chúng cũng có các khoáng chất có thể
dùng để tạo ra các phân tử hữu cơ và một nguồn năng lượng, vì thế chúng là một
mục tiêu hoàn hảo.” Bên ngoài hệ Mặt Trời, mục tiêu hàng đầu là các hành tinh đất
đá cỡ trung bình đang quay xung quanh các sao giống Mặt Trời, hoặc có khả năng
ở trong “vùng ở được” thân thiện với nước lỏng quanh các sao lùn đỏ vốn mờ nhạt
hơn.

24
Nhưng liệu quan điểm lấy Trái Đất làm trung tâm này có làm che mắt chúng
ta trước những khả năng khác hay không? “Chúng ta vẫn chưa chưa biết gì nhiều
về cái thích hợp cho sự sống xuất hiện và tồn tại lâu dài,” phát biểu của nhà thiên
văn Amaury Triaud tại Đại học Birmingham, Anh. “Chúng ta chỉ mới biết rằng các
điều kiện của chúng ta là thuận lợi, nó cho chúng ta biết cái gì là đủ chứ không cho
biết cái gì là cần cho sự sống khởi sinh và thịnh vượng.”

Triaud cho biết việc tìm kiếm sẽ được mở rộng sang các loại ngoại hành tinh
khác: các ngoại hành tinh quay xung quanh các sao lùn nâu, sao lùn trắng, và sao
kềnh đỏ; các ngoại hành tinh làm xiếc quay xung quanh hai sao cùng một lúc; các
hành tinh không có khí quyển; thậm chí cả các ngoại vệ tinh quay xung quanh các
hành tinh khí khổng lồ. Những nơi này trông không có vẻ gì thích hợp cho sự sống,
nhưng vấn đề là ở đó. “Đa số mọi người nghĩ rằng chỉ cần có được câu trả lời
có/không cho câu hỏi có sự sống ngoài kia hay không, thế là đủ rồi,” Triaud nói.
“Tôi muốn làm rõ xem sự sống ra đời và tồn tại lâu dài dưới những điều kiện nào
và với tần suất ra sao.”

Hệ Mặt Trời của chúng ta đem lại những mục tiêu cánh tả tương tự vậy.
Titan, một vệ tinh khác của Thổ tinh, hình thành trong điều kiện thiếu nước lỏng,
với các hồ chứa hydrocarbon có khả năng là quê hương của sự sống dựa trên một
kiểu hóa học khác hẳn. Ứa gan hơn nữa là các đám mây của Kim tinh và cả Pluto.
“Các vệ tinh băng giá là món cược tốt nhất của chúng ta, nhưng tôi sẽ không khép
cửa trước bất kì khả năng nào khác,” Martins nói. Với các sứ mệnh thám hiểm
Enceladus, Titan, và có khả năng cả Europa, đang được phác thảo và các kĩ thuật
mới dò tìm sự sống trên các ngoại hành tinh đang hoạt động, có lẽ cái chấm xanh
nhợt nhạt đơn độc của chúng ta sẽ sớm có một số bạn đồng hành.

25
10. Vũ trụ

Nó là cái gì?

Mọi thứ

Nó ở đâu?

Mọi nơi

BÍ ẨN: VẠN VẬT HIỆN HỮU RỐT CUỘC LÀ DO ĐÂU?

Có nhiều tiến cử cho mô hình chuẩn, mô hình tốt nhất của chúng ta về các
hạt và các tương tác của chúng. Nhưng lại có một chút ngượng nghịu đến kì lạ. “Một
thực tế hơi muối mặt là nó chẳng giải thích được sự tồn tại của chúng ta,” phát biểu
của Werner Rodejohann tại Viện Vật lí Hạt nhân Max Planck ở Đức.

Thật ra, còn tệ hơn thế nữa: mô hình chuẩn cứ khăng khăng là chúng ta
không tồn tại. Nó nói rằng trong vụ nổ lớn, vật chất và phản vật chất phải được tạo
ra với lượng ngang bằng nhau. Hai đối tượng này không đội trời chung với nhau,
và chúng hủy diệt lẫn nhau thành một lóe sáng hễ khi nào chúng tiến đến gần nhau.
Lẽ ra chúng đã hạ nhau trong cơn cuồng sát tìm diệt trong giây tuổi đầu tiên của
vũ trụ, để lại vũ trụ chẳng có gì ngoài ánh sáng ngập tràn. “Vũ trụ sẽ trông khác hẳn,
chí ít bởi vì các hành tinh và các sao và sự sống không thể tiến hóa trong một môi
trường như thế,” phát biểu của Tara Shears tại Đại học Liverpool, Anh.

26
Thế nhưng chúng ta hiện hữu ở đây. Bằng cách nào đó, vật chất đã thắng.

Một khả năng là phản vật chất chỉ đang náu mình: một phần phản vật chất,
bằng cách nào đó, đã thoát khỏi cuộc chạm trán định mệnh, nương náu trong
những vệt an toàn bé nhỏ cuối cùng đã phát triển thành những vùng xa xôi khi vũ
trụ nguội đi và giãn nở. Trong trường hợp đó, sẽ có các sao và các thiên hà chủ yếu
làm bằng phản vật chất. Nhưng cho đến nay chúng ta chưa phát hiện bất kì dấu
hiệu nào cho thấy chúng có tồn tại.

Vì thế hiện nay, chúng ta buộc phải nghĩ rằng đã có cái gì đó làm đảo ngược
cán cân ấy thời vũ trụ xa xưa. Chúng ta biết rằng có những khác biệt tinh tế về kết
cục của những tương tác liên quan đến các hạt vật chất và phản vật chất nhất định.
Cái gọi là vi phạm CP này là nơi Shears cùng các cộng sự của bà đang tìm kiếm câu
trả lời. Nhưng cho đến nay, mọi khác biệt mà chúng ta tìm thấy đại khái quá sức
nhỏ để giải thích được sự mất cân bằng vũ trụ.

CÁC HẠT BIẾN HÌNH

Một số nhà nghiên cứu hi vọng tìm được câu trả lời ở các neutrino. Chúng ta
biết chẳng bao nhiêu về chúng, nhưng những hạt biến hình, hay lãng tránh gồm ba
mùi này – electron, muon và tau – đang chỉ dẫn chúng ta hướng đến nền vật lí mới,
theo lời Rodejohann. Chúng ta có các gợi ý về sự vi phạm CP đáng kể trong các phép
đo về tần suất mà chúng cùng các đối hạt phản vật chất của chúng biến đổi mùi khi
đi qua hành tinh của chúng ta. Chúng ta cũng biết chúng có khối lượng bé xíu, mâu
thuẫn với dự báo của mô hình chuẩn rằng chúng phải không có khối lượng.

Cách giải thích ít phi lí nhất cho điều này là viện dẫn sự tồn tại của một hạt
họ hàng nặng hơn gọi là neutrino vô sinh. Trong một thủ thuật toán học gọi là “cơ
chế bập bênh”, những hạt họ hàng vạm vỡ hơn này sẽ làm chùng một đầu bập bênh,
nâng đầu nhẹ kia lên để đảm bảo chúng có khối lượng nhỏ.

Mấu chốt là để thủ thuật này có tác dụng, các neutrino phải là phản hạt của
riêng chúng. Nếu vậy, thì sự bất đối xứng mà chúng ta thấy ngày nay có thể được
giải thích là do các neutrino nặng này đã phân hủy thành những hạt nhẹ hơn trong

27
cơn cuồng nộ của vũ trụ xa xưa, với phần áp đảo trong số chúng lựa chọn trở thành
vật chất thay vì phản vật chất.

Có thể phải mất một thập kỉ mới xác nhận được các gợi ý rằng các neutrino
vi phạm CP và là phản hạt riêng của chúng. Dù vậy, chúng ta vẫn phải tìm cho bằng
được các họ hàng nặng của chúng. “Câu chuyện neutrino lí thú bởi vì chính vấn đề
khối lượng neutrino cũng giải thích được vì sao vật chất thống trị vũ trụ,”
Rodejohann nói. “Điều đó xảy ra tự nhiên thôi, và nó là một mũi tên bắn trúng hai
đích.”

Nguồn: New Scientist


Trần Nghiêm dịch

28

Anda mungkin juga menyukai